TUI BLUE Nam Hoi An tham vung dat thap ngu tien sa tien phuoc tui blue nam hoi an 1 1

Thăm vùng đất ‘thập ngũ tiên sa’ Tiên Phước

Thăm vùng đất ‘thập ngũ tiên sa’ Tiên Phước

Hoa nở ở Tiên Phước. Ảnh: Dương Minh Bình

Hoa nở ở Tiên Phước. Ảnh: Dương Minh Bình

Thập ngũ tiên sa

Huyền tích kể “Vùng này thủa hồng hoang đẹp hơn thượng giới. Vào mùa xuân, các tiên nữ thường rủ nhau xin phép Ngọc Hoàng, hạ giới ngao du.

Tới nơi, các tiên nữ bị hớp hồn bởi cảnh trí như mơ và những con người đáng yêu với đủ trò vui chơi nên quên ngày về. Ngọc Hoàng nhắc nhở vẫn chần chừ.

Các tiên nữ tìm cách trốn ở lại, mỗi người một chỗ. Ngọc Hoàng nổi giận nhưng không nỡ xử phạt, đành chấp nhận cho các tiên nữ giáng trần”. Vùng đất này có tên Tiên Phước là vậy.

Đường làng đẹp...

Đường làng đẹp…

... như cổ tích. Ảnh: Mỹ Tiên

… như cổ tích. Ảnh: Mỹ Tiên

15 “nàng tiên”, mỗi nàng một chỗ, giờ là 14 xã: Tiên An, Tiên Cẩm, Tiên Cảnh, Tiên Châu, Tiên Hà, Tiên Hiệp, Tiên Lãnh, Tiên Lập, Tiên Lộc, Tiên Mỹ, Tiên Ngọc, Tiên Phong, Tiên Sơn, Tiên Thọ và thị trấn Tiên Kỳ.

Mỗi “nàng tiên” một vùng. “Tiên” nào cũng xinh đẹp, tài giỏi, đảm đang nhưng vẫn giữ nét riêng nên các vùng đất cũng có những đặc thù khác biệt.

Tiên nào cũng đẹp

“Gái Tiên Hà, gà Tiên Lãnh”. Con gái Tiên Hà, nhờ thường xuyên tắm rửa và dùng nước ở đoạn sông Tiên đẹp nhất nên xinh hơn. Con sông trữ tình, chảy ngược từ Đông sang Tây và chưa bị lạm dụng.

Gà Tiên Lãnh ngon nhất vì nuôi thả ở vùng đất giàu côn trùng. Tiên Châu là vùng đất thủy tụ, có suối Tiên, thác 7 tầng, các bãi đá đẹp như tranh vẽ. Núi vùng Tiên Cảnh có nhiều thế “Lưỡng long tranh châu”, “Hữu thanh long, tả bạch hổ”, “Long chầu, hổ phục”, “Quần tiên hội”…

Người Tiên Cảnh, nổi tiếng mưu lược, giỏi võ mà Hội Vây Cọp ngày xưa là minh chứng hùng hồn. Hội kéo dài cả tháng với sự tham dự của hàng trăm trai làng, vào tận hang cọp, bắt sống chúa sơn lâm về hỏi tội.

Nghe đồn dân làng Tiên Thọ sống lâu nhất. Tiên An có hang Dơi như bản sao thu nhỏ của “công viên kỷ Jura”.

Một góc Hố Quờn còn gọi là Ao Vua. Ảnh: Dương Minh Bình

Một góc Hố Quờn còn gọi là Ao Vua. Ảnh: Dương Minh Bình

Thác Ồ Ồ và hồ bơi sinh thái trên sông Tiên. Ảnh: Dương Minh Bình

Thác Ồ Ồ và hồ bơi sinh thái trên sông Tiên. Ảnh: Dương Minh Bình

Tiên Kỳ có ao Tiên, dân gian gọi là Hố Quờn, rợp bóng thông và hoa sim, hoa mua khoe sắc, cạnh xóm trái cây Nam bộ với sầu riêng, măng cụt, sapoche, dừa… Thác Tiên, còn gọi là thác Ồ Ồ, có lẽ do âm thanh của thác; có nhiều thác nhỏ và các bãi đá đủ hình thù, kích cỡ. Những bãi tắm “nhỏ mà có võ” như hồ bơi sinh thái.

Nước sông trong mát, như da thịt sơn nữ dậy thì. Cứ như đá trên núi rủ nhau xuống sông đùa giỡn. Có cả chú cá Niên khổng lồ vượt vũ môn hóa đá. Rồi bãi đá Vua, Hồ Vua còn gọi là bãi Lò Thung, các tiên thường tắm…

Nhà vườn & Trường Gia Lũy

Tiên Phước có nhiều làng đẹp, như làng cổ Hội An ở Tiên Châu (không phải phố cổ Hội An) và làng cổ Lộc Yên ở Tiên Cảnh. Nét độc đáo của các làng cổ Tiên Phước là nhà, vườn gần như nguyên vẹn. Toàn nhà trệt, lợp ngói, nhà nào cũng có vườn và vườn nào cũng có nhà.

Nhà lưu niệm Song Nguyên Huỳnh Thúc Kháng. Ảnh: NVM

Nhà lưu niệm Song Nguyên Huỳnh Thúc Kháng. Ảnh: NVM

Đất cằn cỗi, toàn đá. Người dân kiên trì thu gom đá, chắt chiu gạn đất phù sa. Đá dùng để làm nhà, đặc biệt xếp đá tỉ mẩn làm tường rào, tạo thành những lối đi độc đáo như mê cung.

Phía trên tường trồng chè tàu. Đá tảng để trang trí, làm bàn ghế. Đá nhỏ xếp quanh gốc cây để chống cỏ mọc, giữ độ ẩm, điều hòa nhiệt độ và nhường đất trồng trọt.

Hệ thống Trường Gia Lũy, tường rào bằng đá xếp của mấy trăm hộ gia đình ở các làng cổ Tiên Phước, dài hàng chục kilomét. Đường làng tựa những dải lụa mỏng, uốn lượn giữa màu xanh, khoe hương tùy theo mùa, ngỡ ngàng như cổ tích.

Từ mùi bùn non, lúa chín, rơm ướt, hoa trái quanh năm. Ấn tượng nhất là ngôi nhà cổ bằng gỗ mít của ông Nguyễn Đình Hoan; lưng tựa sơn, mặt nhìn núi “Hữu thanh long, tả bạch hổ”. Ngôi nhà từng được người đến thương thảo mua nhưng gia chủ nhất quyết bảo: “Bao nhiêu tiền cũng không bán vì đó là di sản của tổ tiên”.

Đặc sản Tiên Phước

Đất phù sa Tiên Phước được chắt chiu từ đá, cùng với khí hậu thổ nhưỡng khắc nghiệt đã làm nên chất lượng các sản vật. Tiêu Tiên Phước không đâu bì được.

Trái bòn bon từng giúp Nguyễn Ánh những ngày bôn tẩu qua cơn đói khát nên được đặt tên là “Nam trân” (trái quí phương Nam) cũng không kém cạnh. Thanh trà ở Tiên Hiệp; sầu riêng, măng cụt ở Tiên Kỳ đảm bảo không nhúng thuốc, ăn là mê.

Nhà cổ ở Tiên Phước. Ảnh: Dương Minh Bình

Nhà cổ ở Tiên Phước. Ảnh: Dương Minh Bình

Lối vào nhà xếp đá tựa mê cung. Ảnh: NVM

Lối vào nhà xếp đá tựa mê cung. Ảnh: NVM

Ngoài heo thả, gà đi bộ, cá sông, rau rừng đều có hương vị rất riêng. “Thịt mít” là mít non luộc chấm nước mắm mè, đậu phộng hay mắm cá hoặc làm gỏi. “Chả mít” là hạt mít giã nhuyễn, cho thêm ít gia vị, ngon bá cháy.

Các món rau rừng như thực phẩm chức năng. Thức uống là chè xanh hay lá vối quanh vườn hoặc sâm làm từ nhiều loại cây thuốc. Cây sưa được trồng khắp nơi, từ trong vườn ra ngoài đường. Mùa hoa vàng rực và hương bay tận trời.

Bãi Lò Thung còn gọi là đá Vua trên sông Tiên. Ảnh: Dương Minh Bình

Bãi Lò Thung còn gọi là đá Vua trên sông Tiên. Ảnh: Dương Minh Bình

Cá Niên vượt vũ môn hóa đá ở sông Tiên. Ảnh: NVM

Cá Niên vượt vũ môn hóa đá ở sông Tiên. Ảnh: NVM

Dân Tiên Phước nổi tiếng tiết kiệm, vắt đất từ đá. Làm được bao nhiêu cũng để dành. Chẳng dám xài gì cho mình nhưng luôn hào hiệp làm sạch đẹp nhà cửa, vườn tược và làng xóm.

Ở Tiên Phước, nhà nào làm tường rào bằng xếp đá hay cây trồng, được chính quyền “tưởng thưởng”, tính theo mét, đã kích hoạt ý thức người dân.

Sau chuyến tham quan thực tế các mô hình hiệu quả ở Hua Tạt (Homestay A Chu, người H’ Mong, huyện Vân Hồ, Sơn La), Mai Hịch (Homestay Minh Thơ, người Thái huyện Mai Châu, Hòa Bình)…, mọi người đang náo nức hăm hở với đề án “Phát triển du lịch cộng đồng bền vững theo mô hình – Homestay made in Viet Nam”.

Làm sao đến vùng đất ‘thập ngũ tiên sa’ ?

– Từ sân bay Chu Lai hay Hội An và Đà Nẵng đều có xe buýt đến Tam Kỳ và đổi xe buýt đi tiếp lên thị trấn Tiên Kỳ. Từ Tiên Kỳ, thuê xe gắn máy hoặc xe đạp thăm thú các nàng Tiên. Có thể ngủ nhà dân và gởi tiền nhờ bà con nấu giúp, cùng ăn chung với gia đình.

– Thích nhất là qua đêm, dạo chơi giữa làng cổ lênh láng vàng trăng mùa lúa chín. Nghe đất thầm thì, cỏ cây tình tự và đá độc thoại kể chuyện xa xưa, giữa miên man hương trời.

Hi vọng một ngày không xa, Tiên Phước sẽ có những làng homestay độc đáo, một cách làm du lịch trách nhiệm và bền vững với cộng đồng. Có cả những hồ bơi sinh thái trong vườn và những bãi tắm tiên mộng mị.

Comments

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *