Đồ nghề của hàng bánh ghẹ thật giản tiện, chỉ là chiếc xe đẩy với cái chảo to dùng để chiên bánh, ấy vậy mà khách lúc nào cũng đông đúc. Ghé quầy nào cũng thấy những chiếc bánh ghẹ vàng ruộm, ngập trong dầu đang sôi réo rắt.
Hít hà hương thơm nhè nhẹ của hương bột bắp, thưởng thức vị đậm đà của từng con ghẹ giòn rụm, khi ấy mọi thắc mắc của du khách về cụm từ “bánh ghẹ xanh – đặc sản phố Hội” đã được giải đáp.
Khách du lịch Hội An thưởng thức món ‘Bánh ghẹ xanh’
Những người bán bánh ghẹ xanh cho rằng, ghẹ thì biển nào cũng có nhưng bánh ghẹ Hội An ngon là do người Hội An biết cách chọn ghẹ. Có thể nói ghẹ xanh ngon và bổ dưỡng nhất trong họ hàng nhà ghẹ, thế nên người Hội An chỉ chọn loại ghẹ này để chế biến món bánh truyền thống của xứ biển quê mình để giới thiệu với du khách thập phương. Thứ nữa là phải loại ghẹ mới được đánh bắt trong khu vực biển An Bàng, Cửa Đại và xa hơn nữa thì ở biển đảo Cù Lao Chàm…
Những con ghẹ xanh thật chắc, bấm vào yếm không lún, to cỡ gần bằng bàn tay người lớn mang về làm sạch bằng cách lấy tay lật cái yếm dưới bụng lên, dùng dao nhọn chọc thẳng vào chỗ hõm, đến khi chân và càng của nó duỗi ra thì lột bỏ yếm và cả phần trứng xốp bên ngoài yếm. Tiếp tục dùng bàn chải cọ khắp xung quanh. Ghẹ đã sạch cho vào nồi, rắc chút bột canh, bỏ thêm sả, gừng.
Một nguyên liệu nữa để tạo nên nét đặc trưng riêng cho bánh ghẹ phố Hội chính là bột chiên. Thứ bột được làm từ hạt bắp bãi bồi xứ Cẩm Nam cùng với bột gạo mới gặt nơi cánh đồng được đắp phù sa màu mỡ bởi con sông Thu Bồn quanh năm ăm ắp nước.
Bột bắp và bột gạo được bàn tay khéo léo và tỉ mẩn của người dân phố Hội trộn và gia vị theo tỉ lệ phù hợp. Công đoạn tiếp theo cho thêm ít nước, đánh hỗn hợp trên thật nhuyễn và mịn không còn hạt bột nhỏ.
Khi bắt đầu chiên bánh, chủ hàng quán chỉ cần đặt con ghẹ vào bát bột chiên, nhẹ nhàng lăn ghẹ sao cho toàn bộ con ghẹ được bao phủ một lớp áo bột mỏng. Đợi khi dầu ăn trong chảo sôi lăn tăn thì nhanh tay thả ghẹ tẩm bột vào chảo dầu. Chiên ghẹ theo từng mặt, mỗi mặt chiên trong khoảng bốn, năm phút rồi lật để chiên mặt còn lại, thấy bánh chuyển sang màu vàng là được.
Khi đưa bánh ra mời khách, chủ hàng còn khéo léo rắc thêm lên mặt bánh một ít tương ớt nếu như khách yêu cầu. Chắc chắn không riêng gì tôi, có rất nhiều du khách trong và ngoài nước đến du lịch Hội An mỗi khi ngang qua hàng bánh ghẹ, chỉ mới nhìn những chiếc bánh vàng ruộm, thơm nồng đã không thể bỏ qua món bánh “tên quen, vị lạ” này.
Bên cạnh tác dụng giàu dinh dưỡng, canxi bánh ghẹ khá tiện lợi và đặc biệt thích hợp với mọi thời tiết, lại hợp túi tiền. Không chỉ ăn tại chỗ, nhiều du khách còn mua về nhà, thậm chí đem làm quà tặng bạn. Thế nên, ăn bánh ghẹ khi du lịch Hội An dần dần trở thành nét sinh hoạt văn hóa đầy thi vị. Ai đến Hội An mà chưa tìm ăn bánh ghẹ xanh, khi về sẽ thiếu đi một chuyện để nhớ, để thương…
Trả lời