Du lịch Triêm Tây – vùng đất lở thành điểm du lịch làng quê
Ông Nguyễn Hiên, giám đốc HTX du lịch cộng đồng Triêm Tây, cho biết cách nay không lâu, Triêm Tây là thẻo đất cứ bị teo tóp dần qua mỗi mùa mưa lũ, mỗi khi con nước vào bà con lại tìm chỗ tránh vì sợ sạt lở đất.
“Trước khi có điểm du lịch này, nhiều người dân Triêm Tây từng bỏ xứ đi tìm đường kiếm sống bởi ngoài nỗi lo sạt lở, những đám đất bé như thẻo thịt heo ấy cũng chẳng đủ cho dân làng một cuộc sống ấm êm. Không ai trong số họ dám nghĩ rằng ngôi làng ấy lại thay da đổi thịt như vậy” – ông Hiên nói.
Điểm du lịch “nhà quê”
Cây cầu Cẩm Kim vừa nối nhịp đôi bờ được vài tháng nhưng đã giúp ngôi làng Triêm Tây sôi động hẳn lên. Qua khỏi cầu rẽ phải, bóng người về làng cứ in trên con nước không ngừng chuyển động bởi những chuyến đò dưới sông.
Đi loanh quanh trong những xóm nhỏ, cứ theo lối mòn rồi thể nào cũng tới đầu xóm. Khu đất ấy bây giờ là điểm du lịch nhà vườn được người dân gọi là “đầu não” của làng du lịch cộng đồng Triêm Tây.
Gây ấn tượng ngay cho những ai lần đầu đến đây là những con đường xanh mang dáng hình cổ kính uốn mình theo những hàng cau.
Hai bên đường, những hàng rào bằng rặng chè tàu xanh mơn mởn được cắt tỉa đẹp đẽ, gọn gàng khiến người ta quên đi một Hội An sôi động đầy khách năm châu bốn bể.
Có lẽ chỉ duy nhất ở làng du lịch cộng đồng này mà những con đường xóm nhỏ vốn chỉ vừa lối hai người đi cũng đường hoàng có bảng tên đường đầu xóm.
Ngoài việc tận hưởng không gian làng quê yên bình, du khách đến Triêm Tây còn có thể tìm hiểu nghề dệt chiếu cói, nấu mì Quảng, chăm sóc cây cảnh, làm rau hữu cơ hay đi thăm hai ngôi nhà cổ của dòng tộc Võ Thị và Võ Đại ngót 300 năm tuổi.
Năm 2014, Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) phối hợp cùng huyện Điện Bàn tổ chức đào tạo những người dân “rẹt chất quê” tiếng Anh.
Những kỹ năng cần thiết cho sự phát triển du lịch dựa vào cộng đồng, phương pháp quản lý rác, quản lý chất thải hộ gia đình cũng được các tổ chức này dày công chỉ vẽ cho dân làng gần hai năm qua.
Bà Phạm Thị Khánh (58 tuổi), làm nghề dệt chiếu cói ở đây, cho biết những người dân có tay nghề trong thôn như bà đều có… trình độ tiếng Anh sau các khóa đào tạo.
Trước đây bà Khánh dệt chiếu, còn chồng lo chèo đò qua Hội An để bán rồi chèo về xã Duy Vinh (Duy Xuyên) lấy vật liệu nên thu nhập rất bấp bênh.
“Bây chừ ở đây khách Tây đến thường xuyên, họ thấy tui dệt thì ghé vô nhà chơi. Họ đi quanh nhà coi mình sống thế nào, nuôi gà vịt ra sao. Người vui thì chụp hình, người thích thì mua chiếu giúp. Từ khi có HTX du lịch, chồng tui cũng vô đó làm, không phải sớm khuya qua sông như ngày trước” – bà Khánh nói.
Giữ làng bằng bờ kè sinh thái
Ông Dương Phú Thứ, người dân tổ 3, cho biết vào khoảng năm 2009, khi điểm sạt lở “ăn” sát nhà, gia đình ông cũng từng có ý định gói ghém đồ đạc chuyển đến thôn khác dựng nhà.
Do đó khi nghe thông tin có người về đây xin thuê đất làm du lịch, ông cũng bán tín bán nghi. Nhưng sau khi dự án này được triển khai, mọi thứ tại Triêm Tây đã thay đổi hoàn toàn.
Theo ông Thứ, người có công biến “bãi ma” thành điểm du lịch cộng đồng chính là kiến trúc sư Bùi Kiến Quốc (72 tuổi, Việt kiều Pháp), hiện đang sinh sống tại TP Hội An.
Dẫn khách đi dưới những bóng tre rợp mát, ông Bùi Kiến Quốc cho biết ngay từ lần đầu tiên đặt chân đến ngôi làng này, thấy khung cảnh quá đẹp và còn nguyên chất quê dù cách Hội An một con sông, ông đã quyết định đầu tư làm dự án du lịch.
“Khó khăn nhất là làm sao giữ được đất ở đây mà không phá vỡ cảnh quan xung quanh, đặc biệt là tránh tình trạng kè bờ bêtông khiến bên lở bên bồi, ảnh hưởng đến những vùng phụ cận” – ông Quốc nói.
Trước khi bắt tay triển khai dự án, ông Quốc đi quanh làng tham khảo ý kiến, nhưng ai cũng lắc đầu nói cây tre bền chắc như vậy cũng không “chơi lại” con nước.
Những buổi chiều cùng người dân chèo ghe đi quanh làng, ông được gợi ý về những loại cây sậy, cây cỏ rùi vốn “sống chung với lũ”. Từ đó, một phương án kè sinh thái được ông thiết kế với ba tầng kè – ba lớp bảo vệ phía trước thành lũy tre làng – hình thành.
Theo đó, tầng kè đầu tiên là sậy, loại cây cắm được rễ nước, miễn rằng giữ được đất ở độ sâu chừng 1m cho chúng bám. Tầng thứ hai được trồng loại cỏ rùi với hệ thống rễ bền chắc giữ đất để giảm tác động lên bờ kè.
Tầng thứ ba vào sâu chừng 3m là loại cỏ vetiver vốn là “vô địch” về khả năng bám chống lở và tạo thảm xanh ngay khoanh đất đầu làng.
Đến nay, kiểu kè bậc thang sinh thái này đã qua hơn bốn mùa thử thách nhưng không có hiện tượng “bên lở bên bồi” như những gì xảy ra với các khu nghỉ dưỡng ven bờ biển Cửa Đại, Hội An.
“Từ khi có bờ kè này, Nhà nước không phải đầu tư tiền chống sạt lở, người dân Triêm Tây không mất đất mà còn có thêm thu nhập khi có được công ăn việc làm ổn định” – ông Quốc khẳng định.
Chấm dứt cảnh tha hương
Ông Dương Văn Cả, phó chủ tịch UBND xã Điện Phương, thừa nhận “có nằm mơ” cũng không dám nghĩ Triêm Tây lại trở mình như ngày nay. Thay cho xu hướng đổ ra Hội An kiếm sống như trước đây, Triêm Tây hiện còn thu hút lao động từ nơi khác đến làm việc, bởi khu đất này đang trở thành nơi tiềm năng nhất về khai thác du lịch của cả huyện.
Trả lời