Về đảo Tam Hải nghe đá ‘thở’
Đảo Tam Hải là một xã đảo của huyện Núi Thành, Quảng Nam, biệt lập với đất liền bởi biển cả và sông Trường Giang.
Bốn hướng nơi này là nước, một mặt giáp biển và ba mặt còn lại giáp sông. Nơi đây còn giữ nét hoang sơ của thiên nhiên, khung cảnh hữu tình.
Du khách đến đảo Tam Hải không chỉ được thưởng ngoạn phong cảnh biển, bãi cát trắng, rừng dừa xanh ngắt, mà còn được ngắm những bãi đá trầm tích có tuổi đời hàng trăm triệu năm xếp tầng tầng lớp lớp tạo nên những hình thù lạ mắt, kỳ bí như Bàn Than, Bãi Nồm, Bãi Bắc, Hòn Dứa, Hòn Mang…
Nhiều du khách sẽ bất ngờ trước những ghềnh đá nửa nổi nửa chìm với một “lớp áo” đen tuyền óng ả kỳ vĩ, xếp chồng lên nhau đang được chính quyền địa phương đề nghị công nhận công viên địa chất quốc gia.
Qua các cuộc khảo sát, điều tra nghiên cứu, các nhà khoa học bước đầu thu thập nhiều minh chứng ở xã Tam Hải còn lưu giữ nhiều dấu ấn lịch sử phát triển địa chất phức tạp và lâu dài của lớp vỏ trái đất.
Thống kê cho thấy khu vực này có tới hàng trăm biểu hiện di sản địa chất: cổ sinh, địa tầng, địa mạo, cấu trúc – kiến tạo, karst…
Khu vực này có ghềnh đá Bàn Than và các đảo nhỏ như hòn Mang, hòn Dứa, tuy có màu đen như đá ở đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi. Nhưng theo nhận định của các nhà địa chất học, đây là gốc có tuổi đến 400 triệu năm được đẩy nhô lên khỏi mặt biển qua một đợt kiến tạo địa chất.
Về địa tầng, các đá trầm tích lục nguyên và núi lửa lộ ra nhiều nơi dọc bờ biển. Các thành tạo địa chất này có tính phân lớp, phiến hóa mạnh tạo thành những lớp mỏng xếp chồng nhau với nhiều màu sắc xám, xanh, phớt đỏ…
Các lớp đá này uốn nếp với hình thù nhiều tư thế: nghiêng, chờm hoặc đứt đoạn, quan sát được trên nhiều vết lộ di sản địa chất độc đáo, tuyệt đẹp.
Được ngã lưng vào vách đá, nằm nghe những phiến đá thở, thưởng ngoại cảnh đẹp của biển với những dải cát trắng dưới các hàng dừa xanh ngắt, còn điều gì tuyệt vời hơn nữa!
Xã đảo Tam Hải cách TP Tam Kỳ (Quảng Nam) hơn 40km và TP Đà Nẵng khoảng 100km về phía nam. Xã này có diện tích khoảng 15 km², muốn qua đảo thì chỉ có duy nhất là phải đi phà. Cuộc sống của người dân chủ yếu sống dựa vào biển và làm du lịch.
Trả lời